Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Vừa ăn cơm tối xong, thấy điện thoại báo tin nhắn, chị Trâm (Tây Hồ, Hà Nội) đọc dòng "Con (tên bé) ngủ trưa ngoan, ăn hết suất..." mà vừa buồn cười vừa bực vì cậu con trai lớp 2 hôm nay nghỉ ốm. 

Chị Trâm kể, suốt một tuần con nghỉ ốm ở nhà, hôm nào chị cũng nhận được tin nhắn này. Cậu con trai cứ tối thấy điện thoại của mẹ tít tít là vớ lấy mở đọc rành rọt từng chữ. "Mỗi tháng đóng cho con 40 nghìn để nhận những tin nhắn kiểu 'nhân bản' thế này thì mình thấy phí quá. Nhưng không đóng tiền thì sợ lỡ mất những thông báo quan trọng", chị Trâm chia sẻ.
Một người bạn của chị cũng gặp tình cảnh, dù buổi trưa bố mẹ đón con về nhà ăn, ngủ, nhưng hôm nào cũng nhận được thông báo "Con ngủ ngoan, ăn hết suất. Ngày mai phụ huynh chuẩn bị cho con...".
Còn chị Quỳnh Liên, có con học tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì gặp tình huống trớ trêu. Bé gái nhà chị trùng tên với một bạn trong lớp, có lần chị giật mình khi đọc tin thông báo con ở lớp đánh nhau. "Con bé nhà mình nhút nhát và hiền khô, toàn bị bạn khác bắt nạt. Hôm sau hỏi lại cô giáo mới biết, cô bạn có tên trùng với con mới đánh nhau", chị Liên kể.
Chị cho biết, việc nhầm lẫn kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như trên còn xảy ra vài lần nữa khi nhắn về điểm hay sinh hoạt của con trên lớp. Vì thế, ngày nào chị cũng phải hỏi lại cô giáo cho rõ. "Vẫn tốn tiền mà lại thêm hoang mang, bực mình", chị chia sẻ.
Mấy năm gần đây, nhiều trường tại Hà Nội áp dụng sổ liên lạc điện tử qua hình thức tin nhắn như một cách tăng cường sự kết nối giữa gia đình với nhà trường. Nhiều phụ huynh cho rằng, đây là công cụ rất tiện ích, giúp họ nắm được tình hình học tập, sinh hoạt của con tại trường mỗi ngày.
"Hàng ngày mình nhận được thông báo kết quả học tập, rèn luyện của con, tình hình con ăn, ngủ, thái độ với cô, bạn... nên rất yên tâm. Trước đây, khi cháu học mầm non, nhiều khi muốn gọi cho cô hỏi tình hình của con cũng ngại vì trong giờ thì cô bận chăm, dạy các con, ngoài giờ cô còn về với gia đình, lúc đưa đón con thì luôn trong tình trạng vội vàng, nên cũng không thể hỏi han gì được", chị Hiền, có con học lớp 1 tại Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ.
Một điều tiện lợi nữa, theo chị, là những hôm mùa đông trời lạnh được nghỉ, từ rất sớm chị đã nhận được thông báo của trường, chứ không cần chăm chăm đợi dự báo thời tiết hoặc lỡ dở việc vì đèo con đến lớp mới biết. "Bọn trẻ lớp 1 vừa từ mầm non lên còn bỡ ngỡ, lại ham chơi, cô dặn gì có khi ra khỏi cửa lớp là quên. Khi có tin nhắn thông báo từng ngày của cô giáo, mình biết rõ tình hình tiến bộ hay vướng mắc của con và lời dặn dò của cô nên giúp con chuẩn bị cho việc học tập tốt hơn", chị Hiền cho biết.
Một phụ huynh có con học cấp 2 ở Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, nhờ sổ liên lạc điện tử, hàng ngày chị biết tình hình học hành của con và từ đó cháu không dám nói dối nghỉ học đi chơi nữa. 
Tuy nhiên, bên cạnh những người ủng hộ việc sử dụng sổ liên lạc điện tử, khá đông phụ huynh cho rằng mức thu tiền để sử dụng dịch vụ này ở nhiều trường là quá cao, trong khi hiệu quả mang lại chưa tương xứng. 
Vừa đóng 225.000 đồng tiền sử dụng sổ liên lạc điện tử cho con học kỳ 1, chị Hoài, có con học ở một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cảm thấy không thoải mái vì nghĩ mức thu quá cao, trong khi hàng ngày chị chỉ nhận được thông tin chung như con học môn gì, hôm nào có lịch gì đột xuất...
"Trước đây không có nhắn tin mình vẫn biết được thông tin này, do theo dõi lịch học của con, con về nói lại hoặc nhà trường dán thông báo trên bảng. Cái mình cần biết là con ở trên lớp học thế nào, ăn ngủ ra sao, tham gia các hoạt động khác tốt không, thì lại chẳng thấy cập nhật", chị Hoài nói.
Theo chị, mỗi tin nhắn bình thường giá 300 đồng, nếu mỗi ngày trường gửi một tin nhắn thì tổng cộng một tháng chỉ hết 9.000 đồng, vậy nên khoản thu 50 nghìn đồng mỗi tháng là không hợp lý. "Nghĩ vậy thôi chứ mình cũng chẳng dám ý kiến hay không đóng, vì sợ cô giáo không hài lòng", chị Hoài thổ lộ.
Có con học tại một trường tiểu học ở Từ Liêm (Hà Nội), chị Hải thổ lộ không tiếc số tiền 150 nghìn đồng mỗi năm cho khoản tin nhắn từ nhà trường, nhưng cảm thấy khoản phí này hoàn toàn không đáng vì chẳng mang lại hiệu quả gì. "Tổng cộng cả năm mình nhận được khoảng chục cái tin, chủ yếu là thông báo lịch khai giảng, nghỉ Tết, dã ngoại, tổng kết, nghỉ đột xuất... của trường. Những điều này đâu cần tin nhắn mới biết", chị Hải bộc bạch. 
Không chỉ lăn tăn về mức phí, nhiều phụ huynh cho rằng, sổ liên lạc điện tử đôi khi làm mất tính tự giác của học sinh, khi một số trường giao bài tập hoặc tất tật dặn dò các em qua điện thoại của bố mẹ.
Chị Hảo có con học cấp 2 thì chia sẻ, có bất cứ thông báo gì ở lớp cô giáo cũng nhắn tin về, giao bài tập cho học sinh cũng nhắn cho bố mẹ. "Bình thường con lúc nào cũng nghe lời cô hơn bố mẹ, cô giao thẳng bài tập cho trò chúng sẽ tự giác hơn. Còn giờ ngược hẳn, đáng lẽ tối về bố mẹ hỏi con bài vở thế nào thì con lại hỏi mẹ cô giáo nói con thế nào, nay con phải làm bài gì", chị Hảo kể.
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Công Thị Thu Huyền, cho biết qua 3 năm sử dụng sổ liên lạc điện tử, trường thấy có hiệu quả cao trong việc kết nối giữa gia đình và nhà trường về tình hình học tập của học sinh. Nhà trường liên kết với một công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin qua tổng đài. Cuối mỗi ngày học, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận xét tình hình từng học sinh vào một tờ giấy, bao gồm kết quả học tập, sức khỏe, bán trú, giao tiếp bạn bè... Sau đó, ban quản lý sẽ kiểm tra lại thông tin, giao cho nhân viên công ty cung cấp dịch vụ. Họ sẽ nhập dữ liệu và bắn tin tới số điện thoại của các phụ huynh đã đăng ký. Phí mỗi tháng sử dụng sổ liên lạc điện tử nhà trường thu 50.000 đồng. 
"Để có được một thông báo về tình hình của mỗi học sinh phải qua nhiều công đoạn, do nhiều người thực hiện, chứ không chỉ là nhắn tin thông thường nên không thể so sánh như các tin 300 đồng", bà hiệu phó giải thích và cho biết, đây là hình thức tham gia tự nguyện, phụ huynh nào muốn sử dụng thì đăng ký, ký cam kết và nộp tiền, nhà trường không bắt buộc.
Trước thắc mắc về việc có thể có những tin nhắn từ sổ liên lạc điện tử không chính xác, bà Huyền cho biết, trong trường có nhiều lớp, mỗi lớp lại có thông tin về từng học sinh, nên đôi khi bên tổng đài nhập nhầm dữ liệu, hoặc trùng lặp, thậm chí thông tin chậm trễ, nhưng những sai sót đó cũng rất hiếm xảy ra. 
"Đôi khi có những nhầm lẫn chẳng hạn mấy hôm trước tổng đài thông báo nhầm ngày khai giảng tới phụ huynh, lẽ ra là mùng 5 lại nhắn là 4/9, nhưng ngay khi biết, chúng tôi đã phản ánh để họ thông báo lại. Điều quan trọng là, khi lăn tăn về tin nhắn thông báo về con mình, phụ huynh cần phản ánh ngay với nhà trường để chúng tôi phản hồi với tổng đài, từ đó họ khắc phục và không để sự cố xảy ra lần sau nữa", bà Huyền nói. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng phòng Khoa học công nghệ thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở khuyến khích các trường áp dụng sổ liên lạc điện tử từ những năm 2006-2007, bằng nhiều hình thức như xây dựng trang web của trường, gửi tin qua email, tin nhắn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, viễn thông phổ dụng, số người dùng điện thoại đông đảo nên hình thức này mới được triển khai rộng rãi. Việc sử dụng thế nào là sự thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường, Sở không có cơ chế áp đặt.
Theo ông, đây là kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình kịp thời, đầy đủ thông tin, ưu việt hơn hẳn sổ liên lạc truyền thống, khi chỉ cập nhật nhận xét đánh giá học sinh hàng tháng, hàng kỳ, không giúp phụ huynh nắm được tình hình của con em mình mỗi ngày. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây cũng chỉ là một công cụ hỗ trợ giáo dục, và việc sử dụng, khai thác công cụ này đúng hay sai, hiệu quả hay không tùy thuộc vào nhận thức, trình độ... của từng đơn vị. 
"Nếu thấy có bất cập phụ huynh phải lên tiếng, phản ánh với nhà trường hoặc không sử dụng, còn bản thân nhà trường phải xem xét, nhìn nhận lại ngay và có sự điều chỉnh khi nhận thấy sổ liên lạc điện tử không thực hiện được đúng mục đích của nó", ông Cường nói.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -
Lê Vy