Nói đến viêm niệu đạo ở nam giới, người ta thường nghĩ là do vi khuẩn lậu, nhưng thực tế có nhiều trường hợp không phải do vi khuẩn lậu gây nên.
Niệu đạo là một bộ
phận của đường tiểu, một ống dài nối từ bàng quang ra lỗ sáo (lỗ tiểu)
đi ra ngoài. Ngoài chức năng dẫn nước tiểu ra ngoài, niệu đạo còn đóng
vai trò dẫn tinh dịch từ túi tinh ra ngoài khi có hiện tượng xuất tinh.
Khi niệu đạo viêm sẽ ảnh hưởng đến bài xuất nước tiểu, tinh dịch và có
thể để lại những biến chứng bất lợi cho người bệnh.
Nam giới có thể bị viêm niệu đạo do tắm, sử dụng
một số loại xà phòng không thích hợp hoặc do tác động của chất diệt tinh
trùng có ở bao cao su gây nên hiện tượng kích ứng, dị ứng làm đau,
ngứa, khó chịu. Một số trường hợp niệu đạo bị viêm do tác động cơ học
như nong niệu đạo, đặt ống thông tiểu sau phẫu thuật đường tiểu, thăm dò
bàng quang hoặc sau tán sỏi…
Đáng lo ngại nhất trong viêm niệu đạo là do tác
động của vi khuẩn, vi nấm, trong đó vi khuẩn chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Một
số vi khuẩn như E.coli, tụ cầu da, tụ cầu hoại sinh có thể có ở bộ phận
ngoài của đường sinh dục nam giới như do hẹp bao quy đầu, vệ sinh kém
rãnh quy đầu, từ đó vi khuẩn đi vào niệu đạo gây viêm.
Đối với nam giới đã có quan hệ tình dục hoặc vợ (bạn
gái) bị mắc bệnh do vi khuẩn lậu hoặc do vi khuẩn khác như Chlamydia
hoặc Mycoplasma thì rất dễ mắc hội chứng lậu. Trong bệnh lậu thường có 2
loại: cấp tính và mạn tính.
Hội chứng lậu cấp tính thường xảy ra sau 3 - 5 ngày
sau khi quan hệ tình dục với người có mầm bệnh lậu hoặc Chlamydia hoặc
Mycoplasma.
Biểu hiện sớm nhất là đau, ngứa ở lỗ sáo, có cảm
giác nóng rát, bỏng khi đi tiểu; niêm mạc ở lỗ sáo sưng, tấy đỏ; đồng
thời niêm mạc niệu đạo xuất tiết dịch nhầy, mủ có màu vàng xanh (đôi khi
có máu kèm theo). Những ngày đầu chất nhầy, mủ chảy ra thường xuyên,
sau đó gián đoạn và thường chảy ra vào các buổi sáng, khi vừa mới ngủ
dậy.
Người bệnh đái khó, đau, rát, buốt, đái rắt và nóng
rát vùng tầng sinh môn, nhiều trường hợp khi quan hệ tình dục, lúc xuất
tinh đau và có máu kèm với tinh dịch. Tuy vậy cũng có một tỉ lệ thấp
(khoảng 10%), mặc dù người bệnh có nhiễm vi khuẩn lậu hoặc vi khuẩn
Chlamydia hoặc Mycoplasma nhưng triệu chứng rất nghèo nàn, thậm chí
không có triệu chứng gì điển hình nên người bệnh dễ bỏ qua. Một số
trường hợp lại chủ quan không đi khám bệnh, tự mua thuốc điều trị cho
nên bệnh không khỏi và trở thành mạn tính.
Hội chứng lậu mạn tính thường hay đau bụng dưới hoặc
nóng rát tầng sinh môn, tiểu rắt, thỉnh thoảng thấy nước tiểu đục (mủ)
và đặc biệt sáng sớm lúc mới ngủ dậy thường có chất nhầy như nhựa chuối
chảy ra ở lỗ sáo, ra quần lót.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm niệu đạo ở nam giới cần xét nghiệm chất nhầy, mủ lúc sáng sớm lúc vừa ngủ dậy. Người bệnh phải đến khoa xét nghiệm của cơ sở y tế để lấy bệnh phẩm là tốt nhất.
Đối với bệnh viêm niệu đạo cấp do vi khuẩn lậu thì hầu hết nhuộm Gram soi tìm vi khuẩn có thể xác định được.
Đối với viêm niệu đạo do các vi khuẩn khác thì cần
nuôi cấy chất nhầy, mủ (ngay cả đối với vi khuẩn lậu, nếu nhuộm Gram
không thấy vi khuẩn cũng phải nuôi cấy).
Với trường hợp viêm niệu đạo không do vi khuẩn lậu
hoặc tạp khuẩn mà do Chlamydia hoặc Mycoplasma thì việc xác định phức
tạp hơn rất nhiều, muốn xác định chắc chắn cần thực hiện phản ứng sinh
học phân tử khuếch đại gene PCR (Polymerase Chain Reaction). Nhược điểm
của phương pháp này là giá thành còn cao và không phải phòng xét nghiệm
nào cũng thực hiện được.
Phòng bệnh
Nam giới cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày. Nếu bị hẹp bao quy đầu cần đi khám để có hướng giải quyết tốt. Khi nghi mắc bệnh viêm niệu đạo cần đi khám càng sớm càng tốt, nhất là nghi do nhiễm trùng để xác định nguyên nhân, thuận lợi cho việc điều trị, tránh biến chứng (vì điều trị viêm niệu đạo do vi khuẩn lậu và các vi khuẩn khác có khác nhau). Không quan hệ tình dục bừa bãi và nên chung thủy với một bạn tình.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét