Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Chiều 28-11, tại hội trường lớn nhà điều hành ĐHQG TPHCM, Giáo sư Harald zur Hausen, người đoạt giải thưởng Nobel y học 2008, nói chuyện về chủ đề “Phòng chống ung thư: thách thức cho ngành y tế toàn cầu”.


Giáo sư Harald zur Hausen cùng các bạn sinh viên ĐHQG TPHCM tại buổi giao lưu chiều 28-11
 
 Buổi nói chuyện này thuộc chương trình “Cầu nối” do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Quỹ hòa bình quốc tế tổ chức.

Giáo sư Hausen cho biết theo nghiên cứu của ông, hai loại virút HPV (Human papillomavirus) 16 và HPV18 đã được tìm thấy ở 70% sinh thiết ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Virút Papilloma ở người đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu. Hơn 5% ung thư trên toàn thế giới gây ra bởi sự lây nhiễm dai dẳng của loại virút này.
 
Papilloma lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất, với 50-80% dân số. Hơn 100 chủng loại HPV đã được biết đến, khoảng 40% loại lây nhiễm qua đường tình dục và 15 loại khác gây ra tình trạng dễ lây nhiễm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
 
Virút Papilloma có thể được phát hiện ở 99,7% phụ nữ được xác nhận bị ung thư cổ tử cung, ảnh hưởng đến 530.000 phụ nữ mỗi năm, hầu hết ở các quốc gia đang phát triển.

Giáo sư Hausen cũng đưa ra các phân tích của ông về đặc tính của hai chủng virút HPV16, HPV18 và hiệu quả của văcxin đối với điều trị bệnh ung thư cổ tử cung, giảm thiểu việc phẫu thuật. Lứa tuổi nên chích văcxin ung thư cổ tử cung, theo giáo sư Hausen, tốt nhất là từ 9-25 tuổi, cho cả nam lẫn nữ.

Theo TS Trần Diệp Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TPHCM, giáo sư Hausen đã đặt ra những câu hỏi mới. Chẳng hạn cần nghiên cứu thêm là ăn các loại thịt đỏ như thịt bò được chế biến bằng phương pháp nướng sẽ gây ung thư trực tràng.
Người ta xem khâu nướng thịt tạo ra tác nhân gây ung thư, tuy nhiên ăn nhiều thịt trắng như thịt gà nếu chế biến bằng phương pháp nướng cũng không bị ung thư. Phải chăng có sự tương tác giữa virus có trong thịt đỏ và các tác nhân gây ung thư tạo nên bệnh, không thuần túy chỉ là tác nhân được tạo ra trong quá trình nướng thịt. Những câu hỏi của giáo sư Hausen sẽ là tiền đề gợi mở cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này.

GS-TS Trần Thị Lợi, công tác tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, cho biết: Qua phần trình bày của giáo sư Hausen, bà đã được bổ sung kiến thức về miễn dịch của cơ thể, giữa nhiễm HPV và vì sao gây ra ung thư cổ tử cung. Điểm mới và quan trọng, theo bác sĩ Lợi, là thông tin những bệnh ung thư có thể phòng chống từ sớm là ung thư do vi khuẩn gây ra như ung thư dạ dày, bàng quang, ung thư do virút như ung thư gan, cổ tử cung.
Đối với ung thư cổ tử cung, văc-xin là chiến lược dự phòng cấp một và tầm soát ung thư cổ tử cung là chiến lược dự phòng cấp hai. Hai chiến lược này phải được phối hợp, văc-xin sẽ giúp thời điểm tầm soát cách xa hơn chứ không thể thay thế tầm soát ung thư.

Đặt câu hỏi với giáo sư Hausen, bác sĩ Lợi cho biết Việt Nam đã có cả hai loại văc-xin ngừa ung thư cổ tử cung nhưng Bộ Y tế chỉ cho phép chích trong độ tuổi từ 9-25 mà không xét đến yếu tố văn hóa VN là nhiều phụ nữ có gia đình muộn và quan hệ tình dục sau 25 tuổi. Việc lấy mốc 9-25 tuổi, theo bác sĩ Lợi, vì nước ngoài có đời sống mở rộng, độ tuổi quan hệ tình dục trung bình là 13, nhưng tại VN không phải ai cũng có “sex” trước hôn nhân.

Hiện nay, các bệnh viện phụ sản như Hùng Vương, Từ Dũ, Viện Pasteur đều có dịch vụ chích ngừa ung thư cổ tử cung nhưng người dân phải trả tiền cho dịch vụ này. Theo bác sĩ Lợi, nếu Nhà nước đưa văc-xin ung thư cổ tử cung vào chương trình tiêm chủng quốc gia thì sẽ có lợi cho người dân. Hiện tại, những người đi chích ngừa ung thư cổ tử cung chưa nhiều, bởi theo bác sĩ Lợi, chỉ những người có tiền mới quan tâm đến việc này.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -
Lê Vy