Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Phân tích khía cạnh an toàn lao động sau vụ 6 người chết trong bồn mỡ dầu cá, bác sĩ Quản Hồng Đức cho rằng nhiều người quá thờ ơ với tính mạng, coi thường công tác quản lý an toàn tại nơi làm việc. 

Bài viết dưới đây của bác sĩ Quản Hồng Đức, chuyên gia về quản lý an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, phân tích khía cạnh an toàn lao động sau vụ 6 người bao gồm cả giám đốc và 5 nhân viên chết trong bồn mỡ dầu cá tại Nhà máy tinh luyện dầu cá tra của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI (Đồng Tháp) hôm 4/9. 
Nhiều phân tích về nguyên nhân tai nạn, đó là thiếu dưỡng khí, ngạt khí độc hay trượt chân té xuống bồn, thậm chí do chất độc từ cá tra… Thật ra nguyên nhân chỉ có thể được kết luận chính xác bởi những người chết vào phút giây định mệnh đó, chỉ tiếc rằng họ đã mang theo bí mật đó sang bên kia thế giới.
Nếu những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, công nghệ, an toàn… ngồi cùng nhau, cùng thảo luận, xác định những nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra tai nạn, đề xuất biện pháp kiểm soát thì sẽ đâu có 6 cái chết thương tâm kia, hạnh phúc của 6 gia đình vẫn trọn vẹn. Chúng ta cũng sẽ không phải nén tiếng thở dài hoặc buộc phải quay mặt đi để chối bỏ một sự thật phũ phàng - chúng ta đã quá thờ ơ với tính mạng của công nhân, quá coi thường công tác quản lý an toàn tại nơi làm việc.
6 người đã tử vong trong chiếc bồn chứa mỡ cá tra này. Ảnh: Gia Bảo.
Nguyên nhân gốc của vấn đề chính là công việc lấy mẫu của kỹ sư Lâm Thanh Phong, một trong những nạn nhân xấu số. Anh đã leo lên mở nắp bồn để lấy mẫu dầu - công việc này được thực hiện theo cách mất an toàn nhất. Chưa bàn đến chuyện bồn mỡ cá là không gian hạn hẹp và các công việc thực hiện trong bồn được coi là có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, buộc tuân thủ quy định chặt chẽ về an toàn lẫn sức khỏe nghề nghiệp. Xét về quan điểm quản lý an toàn, việc lấy mẫu dầu cá như anh Phong thực hiện là hoàn toàn không chấp nhận được, vì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ có thể dẫn đến các tai nạn khác nhau.
Có thể sơ bộ liệt kê các rủi ro và nguy cơ từ cách lấy mẫu này như sau:
- Đầu tiên là rủi ro đến từ việc công nhân phải leo lên trên nóc bồn. Họ có thể té ngã và tai nạn gây tử vong, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa to, gió lớn gây trơn trượt.
- Dụng cụ lấy mẫu được buộc bằng dây và thả từ trên xuống qua nắp bồn. Trong tư thế làm việc này, công nhân có thể té ngã vào bồn đã mở nắp. Điều này phụ thuộc vào sự cẩn trọng, khéo léo, tập trung và sức khỏe của chính người công nhân và điều kiện thời tiết. Mỗi người khác nhau về cẩn trọng, khéo léo, tập trung và sức khỏe tại từng thời điểm…, nói cách khác trước đây tai nạn chưa xảy ra cũng là câu chuyện của sự may rủi.
- Khi không thể lấy được mẫu dầu cá do lượng dầu chỉ còn 1/3 bồn và dụng cụ lấy mẫu không thể tới, anh Phong đã quyết định trèo vào trong bồn từ trên xuống bằng thang thép. Đây là hành vi nguy hiểm và có thể gọi là hành vi định mệnh. Trong bồn kín luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Chính vì vậy làm việc trong bồn kín được coi là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và cần kiểm soát trong suốt thời gian thực hiện.
Ở một số nhà máy, các bồn kín hoặc khu vực hạn hẹp đều có bảng cảnh báo bên ngoài yêu cầu kiểm soát an toàn khi thực hiện công việc trong bồn, ví dụ giấy phép công tác. Tôi chắc những bồn dầu cá tại nhà máy đã không có bảng cảnh báo này, công nhân có thể cũng không được huấn luyện và ý thức về nguy hiểm khi vào trong bồn nên anh đã quyết định leo vào bồn một cách “tự nhiên”.
Trong công việc, chúng ta thường chú tâm vào cách thức làm việc để đảm bảo không làm sai mà ít khi phân tích xem việc mình làm có đúng không. Người ta thường nói: "Làm việc đúng trước khi làm việc đó theo cách đúng". Câu nói này đã trở thành triết lý trong mô hình quản lý an toàn hiện đại.
Đáng lẽ ra việc lấy mẫu dầu cá sẽ đơn giản và hoàn toàn vô hại nếu được thực hiện bên dưới mà không cần phải leo lên nóc bồn thông qua hệ thống các van lấy mẫu. Tôi không cho rằng bồn dầu cá không có van lấy mẫu vì đây là yêu cầu tối thiểu và việc bố trí van lấy mẫu ở đáy bồn chỉ đơn giản do thiết kế hợp lý. Nhưng có thể đơn vị thiết kế bồn đã không lường trước khả năng dầu cá đông đặc ở đáy bồn, khi đó các van lấy mẫu trở nên vô dụng. Để giải quyết, người ta có thể bố trí các van lấy mẫu ở thành bồn và lắp đặt những sàn thao tác để đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến tính chuẩn bị và sẵn sàng trong xử lý, ứng phó khẩn cấp. Khi nhận được tin báo tai nạn, vị giám đốc và 4 nhân viên còn lại đã đưa ra một quyết định sai lầm là vào trong bồn để cứu đồng nghiệp mặc dù quyết định này thấm đẫm tình đồng nghiệp, đồng chí.
Trong tình huống khẩn cấp, cứu người trở thành một mệnh lệnh trong đầu mỗi chúng ta dù mệnh lệnh đó không được phát thành tiếng. Cái thứ mệnh lệnh không âm thanh đó làm chúng ta quyết định và hành xử vội vàng, hấp tấp đến quên mình. Chúng ta không ý thức rằng hiện trường của một sự cố, tai nạn vẫn luôn tồn tại các mối nguy và rủi ro chết người, thần chết vẫn đứng ở đó để đợi và tìm kiếm thêm bạn đồng hành. Đừng biến mình và người khác thành nạn nhân tiếp theo của tai nạn lao động là bài học đầu tiên mà tôi thường hướng dẫn nhân viên trong các bài giảng xử lý và ứng phó tình huống khẩn cấp tại nơi làm việc.
Đối với sự việc bi thảm này, tôi không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai, cũng như không có ý định đào sâu thêm nỗi đau cho gia đình những người đã chết và sự trăn trở của những người còn sống, có trách nhiệm. Điều tôi mong muốn duy nhất là các nhà quản lý, giám đốc sản xuất, ông chủ doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý an toàn và sức khỏe cho người lao động. Sự quan tâm đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể chứ không đơn thuần là những khẩu hiệu sáo rỗng. Làm tốt an toàn, chính doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích kinh tế đến từ thương hiệu, uy tín, sự gắn kết và trung thành của mỗi nhân viên.
Ông cha ta có câu: "Quân thua thì chém tướng". Trong quản lý an toàn, mọi tai nạn xảy ra cho nhân viên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp quản lý. Tôi mượn triết lý người xưa để thêm một ý: "Thắng trận thì khao quân". Khi nơi làm việc không có tai nạn thì công đầu thuộc về nhân viên, những người đã chấp hành và tuân thủ các quy định, quy trình an toàn tại nơi làm việc.
Bác sĩ Quản Hồng Đức
Chủ tịch Ban Tư Vấn An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp
Công ty TNHH MTV Dòng Kẻ

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -
Lê Vy