Vào khoảng tháng 7/2010, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS tại TP. Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk. Kết thúc hội thi, Sở Y tế Đăk Lăk mời các đoàn thi dự bữa cơm thân mật tại nhà hàng Đam San. Giữa nhà hàng rộng lớn, mọi người chuẩn bị vào tiệc, bỗng một bé gái chừng 8 tuổi hỏi mẹ rất tự nhiên: “Mẹ ơi, rửa tay ở đâu?”. Bao nhiêu con mắt đổ dồn vào hai mẹ con. Người mẹ có vẻ lúng túng, tôi bèn dẫn hai mẹ con đến nhà vệ sinh và thấy cháu bé rửa tay bằng xà phòng khá thành thạo.
Cách đây vài năm, khi ấy, bệnh tay – chân – miệng có khuynh hướng lan tràn thành dịch. Chúng tôi đến một trường mẫu giáo để phổ biến công tác phòng bệnh. Thật là thương khi thấy cô giáo và các bé chăm chỉ rửa tay đến mức bàn tay của các cháu có dấu hiệu của “xà phòng ăn da tay”. Tất nhiên chúng tôi hướng dẫn cô trò những thời điểm rửa tay cần thiết, ấy là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị bữa ăn, trước khi đến trường và sau khi từ trường về nhà. Về cách rửa tay: sau khi xát xà phòng đủ, chúng ta hãy xoa xà phòng từ cổ tay đến lòng bàn tay, chụm các đầu ngón tay phải chà vào lòng bàn tay trái và ngược lại, chà kỹ các ngón tay, chà mu bàn tay (trong vòng khoảng 30 giây đến 1 phút), sau đó rửa bằng nước sạch. Như vậy sẽ phòng được khá nhiều bệnh như các bệnh tiêu chảy, bệnh giun sán, bệnh tay – chân – miệng, các bệnh cúm, đặc biệt là cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9.
Và mới đây thôi, tôi đi khám sức khỏe cho công nhân ở một nhà máy trà. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu tôi không gặp một cô gái khá xinh, dáng cao, bàn tay thon thả nhưng móng tay khá dài. Tôi đùa: Người dáng cao, đẹp. Móng tay dáng cao (dài) thì… cũng đẹp nhưng rất là không sạch! Cô gái đỏ mặt hứa rằng sẽ cắt ngắn móng tay. Chẳng biết cô gái có cắt ngắn móng tay không, nhưng muốn rửa tay sạch thì móng tay của chúng ta phải luôn luôn được cắt ngắn.
Một vài kinh nghiệm về rửa tay phòng bệnh chúng tôi gom góp được như thế này: Trước hết là phương tiện rửa tay. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì thường là lavabô hoặc vòi nước. Ở nông thôn thì đành phải là chậu rửa. Tuy nhiên, dù là lavabô, vòi nước hay chậu rửa thì cũng luôn luôn phải có sẵn xà phòng và khăn lau tay sạch. Vị trí đặt phương tiện rửa tay phải thuận tiện, chẳng hạn như gần nhà vệ sinh, gần nhà ăn. Có phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch sẵn sàng, chúng sẽ nhắc nhở bạn: “Hãy rửa tay bằng xà phòng và nước sạch”.
Khi bạn rửa tay đã thành thói quen, tới một lúc nào đó, bạn đang ở một nơi nào đó không phải nhà bạn, nếu bạn chưa rửa tay được vào những thời điểm cần thiết như kể trên (vì chưa thấy chỗ rửa tay), mà bạn thấy khó chịu và phải đi tìm chỗ để rửa tay thì kể như bạn đã thành công trong việc “rửa tay phòng bệnh” rồi đấy.
Về giá trị của xà phòng, như chúng ta đã biết, tôi muốn nói thêm rằng “xà phòng cũng tương tự như một loại vaccin phòng được nhiều bệnh”, hay ngắn gọn hơn, “xà phòng – vaccin phòng bệnh đa năng”. Còn ý kiến bạn thì sao? Bạn có đồng ý với tôi không?
0 nhận xét :
Đăng nhận xét